Sài Gòn của tôi

Ngày: 30-09-2006

Đề tài: Văn hóa - Nghệ thuật

 

Thinh Không


 

Sài Gòn! Ôi! Cái tên nghe sao mà nhớ thương. Gợi đến biết bao nhiêu là kỷ niệm êm đềm của thời trai trẻ. Cái thời đẹp nhất của một đời người.

 

Chắc ít có người Việt tị nạn nào mà lại không một lần nghe đến bài hát “Sài Gòn, niềm nhớ không tên”(1). Tôi thì biết đến cái “niềm nhớ không tên” (hay có rất nhiều tên?) này từ trước năm 75, lúc còn chưa phải sống xa cách hàng ngàn dặm như bây giờ.

 

Đó là những năm 1974–75. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi được trưng tập vào quân đội. Khoảng gần giữa năm 1974, tôi rời Trường Quân Y ở Sài Gòn ra đơn vị, về phục vụ tại một Bệnh xá Dân Quân Y, thuộc tỉnh Vĩnh Long. Vĩnh Long thì cũng không xa Sài Gòn là mấy. Tôi lại được anh Bác sĩ trưởng Bệnh xá thật tốt bụng, ưu ái, và thông cảm lứa tuổi chưa biết lo (!), nên rất dễ dãi trong chuyện đi phép của tôi (đúng ra anh chỉ ngó lơ, chứ chẳng cấp chỉ huy nào cho “phép” kiểu này). Mỗi thứ Ba, tôi mới từ Sài Gòn mò xuống Bệnh xá mà rồi sáng thứ Sáu, tôi đã nôn nao (“Nếu chiều không hò hẹn, đâu thấy lòng nôn nao!?”(2), thay vào bộ quần áo dân sự, nhảy lên xe đò về lại Sài Gòn.

 

Đường phố Sài Gòn (1967) Nguồn/Ảnh:

 DCVOnline/Philip Pelino Jr.

 

Ấy thế mà tôi cứ nhớ Sài Gòn. Nhớ da diết, nhớ khoắc khoải, nhớ cuồng điên khi phải xuống lại Bệnh xá. Thân tôi ở Vĩnh Long mà hồn thì vương vất đâu đó ở quán La Pagode, rạp mini Rex, rạp Eden, chè Hiển Khánh, cafeteria Rex, cơm tấm Trần Quý Cáp, bò kho Thanh Bạch, hay trước các xe bột xào, bò viên, hủ tiếu mì, ở ngã Sáu, ngã Bảy (ngã Năm tôi không dám đến!). Tôi nhớ mong Sài Gòn vì tôi cứ bị “réo gọi” bởi bao bạn bè trai, gái. Bởi muôn vàn kỷ niệm với các con đường, góc phố, hàng cây, tiệm kem, quán cóc. Nơi đó, còn có người yêu “bé bỏng” của tôi đang sống (thật ra nàng đang học đại học, chẳng bé bỏng mấy đâu). Ngày đó, tôi nghĩ không bao giờ tôi có thể sống xa Sài Gòn lâu hơn 1 tuần.

 

“Nước chảy xuôi con cá buôi lội ngược

Nước chảy ngược con cá vượt lội xuôi

Anh với em xa cách ngậm ngùi

Mong cho gặp mặt, xác vùi cũng ưng”

 

Thế mà, chẳng bao lâu sau đó, hoàn cảnh đau thương của miền Nam đã khiến tôi phải sống xa Sài Gòn. Trước, xa vài năm. Đêm đêm, từ trại cải tạo bên bìa rừng, trông về hướng thành phố xa xa, còn thấy một vầng sáng đèn ở chân trời. Sau, xa đến cả chục năm, cách biệt mịt mùng hàng chục ngàn cây số.

 

Nhưng rồi đến một lúc, sau khi đã ổn định cuộc sống, sau khi cũng đã hết lòng hết sức vì các ước vọng chung của người tị nạn, giống như nhiều người Việt hải ngoại, tôi nghĩ, Sài Gòn, Việt Nam nào phải của riêng ai. Dù ai đó có đang cai trị đất nước này, có làm tôi bất bình nhiều chuyện, đã làm tôi phải lìa xa nơi đó một thời, thì nơi đó cũng mãi vẫn là thành phố, là quê hương của tôi. Thế nên sau hơn 16 năm xa xứ, tôi lại trở về.

 

Tôi ra đi khỏi Sài Gòn vào đầu thập niên 1980, lúc thành phố ở vào thời kỳ thê thảm, tệ hại nhất về mọi mặt. Tôi cũng đã từng sống vài năm gian khổ tại đây sau năm 75 (vài năm kia phải “đẵn cây” trên rừng). Dù thế, tôi vẫn còn nhớ tâm trạng mình lần đầu về lại Sài Gòn, cuối năm 1997. Tôi đã sửng sờ nhìn thấy một Sài Gòn tiều tụy, nghèo nàn, nhớp nhúa, bụi bặm và hoang vắng … dù thật đông đúc. Trước mắt tôi, đôi lần, chỉ thấp thoáng bóng của những con người, phờ, hốc hác, tất tả ngược xuôi, xa lạ, vô hồn. Tôi ngỡ ngàng, thẫn thờ. Tôi đã mong ước được nhìn thấy lại những tà áo trắng mượt mà Gia Long, Trưng Vương, Nguyễn Bá Tòng. Ước thấy lại những chiếc váy đầm nữ sinh xinh xắn Nhà Trắng Saint Paul, Régina Pacis, Marie Curie của một thời. Muốn bắt gặp lại những ánh mắt đẹp kiêu sa, kênh kiệu, hớp hồn cả đám học trò chúng tôi, từ trong những chiếc xe hơi nhà buổi sáng đưa em đi học. Nhưng đã không còn. Trong tâm trí tôi lúc đó, hình ảnh còn tồn tại sau thời gian dài biến động của đất nước và bản thân, là những hình ảnh của Sài Gòn và người Sài Gòn xinh tươi trước năm 75. Những hình ảnh đẹp đẽ của thời hoa mộng đã, một cách vô thức, ngự trị, khống chế tâm tưởng tôi, xua dạt đi những gì đau buồn, tệ hại của một thời không đáng nhớ.

 

Sau lần về đầu tiên đầy thất vọng và tiếc nuối đó, lạ thay, tôi lại nhớ mong Sài Gòn chỉ sau một thời gian ngắn về lại Úc. Và rồi cứ mỗi khi muốn đi nghỉ hè, nghĩ tới nghĩ lui, cuối cùng tôi cũng lại về Sài Gòn. Từ cái lần đầu chín năm trước đó, tôi đã về lại Sài Gòn nhiều lần. Lần này dù sẽ đi nhiều nước Âu Mỹ, tôi cũng ráng ghé qua Sài Gòn.

 

Tôi về đến Tân Sơn Nhất vào gần giữa trưa. Cảnh vật dọc phi đạo vẫn như bị đóng chết trong khung thời gian, của hơn ba mươi năm trước. Vẫn những chòi canh han rỉ thời chiến tranh. Vẫn những hangar máy bay thấp bé, với mái vòm cong, rong rêu, đen đúa. Bên trong một số hangar có những chiếc máy bay trực thăng của Liên Xô, nhỏ thó, cũ kỹ. Nhìn các trực thăng tôi liên tưởng đến những chiếc xe đò nhỏ, lẽ ra phải phế thải, ọc ạch chạy trên những con đường đến các quận lỵ xa xôi trước năm 75.

 

Tại quầy duyệt xét nhập cảnh, người sắp hàng lần này không đông như những lần trước. Các ông công an cửa khẩu, vẫn bộ mặt nghiêm nghị, trong quân phục màu xanh quân đội, với cầu vai lon lá đầy đủ. Mũ kết xếp thành một hàng dài ngay ngắn trên quày, cả ở ô không có người ngồi kiểm tra. Tất cả những hình ảnh đó vô tình (hay hữu ý?) tạo một ấn tượng khá mạnh mẽ rằng mọi người sắp đi vào một nước quân phiệt Nam Mỹ nào đó của thập niên 1960–70, như trong các phim xi nê tôi đã xem. Tôi nghĩ, phải chi họ mặc những đồng phục màu sắc nhẹ nhàng hơn. Gương mặt, cử chỉ, thái độ tươi cười, chào đón hơn có phải hay và đẹp không!? Những điều đó đâu có khó huấn luyện, hay làm giảm giá trị vai trò, hoặc ảnh hưởng đến nghiệp vụ, của họ đâu. Đối với một số không ít du khách ngoại quốc, đây là những người Việt Nam đầu tiên được gặp. Đây là những người đại diện cho cả nước, cả dân tộc Việt Nam được tiếng là thân thiện, hiếu khách, chào đón du khách đến thăm quốc gia mình. Sao lại làm người khách phương xa ngỡ ngàng, hụt hẫng, thất vọng!? Không biết các ông có trách nhiệm có nghĩ như tôi không?

 

Dù sao lần này cũng có những tiến bộ đáng kể. Một số không ít nhân viên là nữ. Ánh mắt nhân viên không còn lạnh lùng hay có thái độ quan liêu, hách dịch, thiếu nhã nhặn (với cả khách ngoại quốc) như tôi bắt gặp ở những lần trước. Chuyện xem xét giấy tờ nhanh hơn (dù vẫn rất từ từ). Nhưng, vẫn chưa có tiếng chào, tiếng cám ơn, và nụ cười. Cứ nhìn thấy cảnh này là tôi buồn giận. Vì khổ thay, cái xấu hổ là xấu hổ chung. Thủ tục qua hải quan thì lần này trơn tru và nhanh nhẹn hơn trước rất nhiều. Một tiến bộ đáng khen. Mà sao là “hải quan” nhỉ? “Hải” ở đây nghĩa là gì? Đâu có chút xíu “biển” nào tại phi trường Tân Sơn Nhất đâu? Hay là “hãi quan” cho “cửa ngõ hãi hùng”?

 

Đã đầu tháng Sáu. Vào buổi chiều, Sài Gòn hay có những cơn mưa. Có khi mưa như trút nước, không dứt. Ở Úc, ít khi tôi thấy có những cơn mưa tầm tã, mịt mù, “giăng kín đường về”(3) này. Thành phố nơi tôi ở, khô hạn kéo dài gần một năm qua làm các hồ chứa nước đều gần cạn. Ở Sài gòn, sau cơn mưa lớn, đường phố một số nơi lại biến thành hồ cạn. Tuy nhiên, sau cơn mưa, trời mát dịu lại nhiều, khá dễ chịu. Cho nên, nếu lỡ “trời không mưa, tôi cũng lạy trời mưa”(4).

 

Chuyện lưu thông trong thành phố SàiGòn thì chắc nhiều người đã biết hay nghe nói. Đông đúc, chen lấn, luồn lách, hỗn độn, không trật tự hay tôn trọng luật lệ gì cả. Kỷ luật giao thông thật kém.

 

 

“Tháng sáu trời mưa, trời mưa không ngớt,

Trời không mưa anh cứ lạy trời mưa …”

 

Nguồn: i6.photobucket.com

 

Tình trạng nay có khá hơn những năm trước, nhưng cũng còn rối rắm, nhất là tại các “bùng binh”. Có khá nhiều xe buýt, sau nhiền năm vắng bóng, nay vận hành trong thành phố. Giá nghe nói tương đối rẻ, chạy thường xuyên trên nhiều tuyến, và đến tận ngoại ô. Một chủ trương thức thời. Nhưng xe gắn máy vẫn tràn ngập các con đường, từ sáng sớm cho đến 9–10 giờ đêm. Mỗi năm, trên cả nước có hơn 12 ngàn người chết vì tai nạn giao thông thì thật là quá mức (thống kê mới nhất của 6 tháng đầu năm 2006 cho thấy số tai nạn có giảm nhưng số người chết vẫn không giảm). Mỗi tháng có hơn 1 ngàn người tử nạn. Khủng khiếp! Sài Gòn cũng góp vào thống kê trên một con số không nhỏ. Không chỉ riêng kỷ luật giao thông, mà nói chung, ý thức kỷ luật công dân tại Sài Gòn bây giờ tệ hại hơn trước 75 rất nhiều, vì kỷ cương xã hội hầu như sụp đổ. Và hệ thống giáo dục, trong rất nhiều năm, đã không chú trọng gì đến điều này. Chẳng “giáo dục công dân”, mà chỉ quan tâm nhồi nhét vào đầu học sinh ba điều chủ thuyết lỗi thời, hoang tưởng. Chủ tâm và ưu tiên có lẽ nhắm vào việc đào tạo những kẻ trung thành hơn là những công dân tốt.

 

Ở Sài Gòn đông đúc này việc di chuyển, đi lại rất bất tiện, mất thời giờ. Sau vài lần về, tôi cũng bắt đầu chạy chiếc xe gắn máy của đứa em cho mượn. Tôi ít đi taxi vì nó tốn kém mà lại chậm chạp trên đường phố lúc nào cũng đông nghẹt xe. Dù sao thì tôi cũng từng là thổ địa nơi đây, khá rành rẽ đường lối. Có điều tôi không thể nào nhớ nổi các tên đường mới được thay sau này. Nhiều tên lạ hoắc, không biết là ai (tôi cũng chẳng tò mò tìm hiểu là ai). Rồi lại những con số, ngày tháng lấy làm tên đường, nghe không quen, không nhớ, lẫn lộn, rối mù.

 

Khi về trong nước tôi hay đọc các tờ báo như Tuổi trẻ, Thanh Niên (tôi cũng thường xem trên mạng lúc ở nước ngoài). Hai tờ báo trên là những tờ báo, theo tôi, nay có sự thông tin tương đối khá nhanh nhạy, ít gạn lọc (so với ngày trước). Có tư tưởng khá độc lập trong cách đưa tin và đặt vấn đề. Có một sự cởi mở khá rõ nét và mạnh dạn, kể cả các vấn đề “nhạy cảm”. Nhiều tờ báo khác thường né tránh các đề tài này, hay có đề cập đến thì chỉ nói một chiều, chỉ ca tụng đến phát nản. Hay chỉ có những lập luận xưa cũ, không thuyết phục. Hai báo trên cũng khá mạnh dạn trong việc đăng tải các bài đóng góp ý kiến cho các diễn đàn (hay các ý kiến phản hồi), từ các độc giả thuộc nhiều giới, nhiều khuynh hướng, từ cả trong lẫn ngoài nước.

 

Thí dụ trong ngày 28/5/06, tờ Thanh Niên đã đăng trong mục diễn đàn “Nước Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ?” một bài góp ý tựa là “Phải vượt qua nỗi sợ hãi.” Bài viết:

 

“…Nỗi sợ hãi chính là trở ngại lớn mà chúng ta cần phải vượt qua nó. Chừng nào nỗi sợ hãi bé đi thì chúng ta mới lớn lên được.”

 

Bài viết dù không nói cụ thể đến sự việc gì, nhưng ở đây theo tôi, chi tiết đó không quan trọng. Lời khuyên “Phải vượt qua được nỗi sợ hãi” là điểm cốt lõi, là tinh thần của bài góp ý. Trong thời gian gần đây, có rất nhiều người trong nước đã mạnh dạn, dũng cảm, minh danh cùng ký tên vào các tuyên ngôn đòi hỏi những ước vọng chân chính cho mình, cho đồng bào. Họ chẳng phải là “nhà đấu tranh” kiên cường, dày dạn hay nổi tiếng gì cả, mà chỉ là những công dân bình thường. Cứ đặt mình ở vào vị trí họ trong hoàn cảnh hiện tại trong nước sẽ thấy cái dũng khí to lớn như thế nào. Họ đã vượt qua được nỗi sợ hãi. Trong niềm kính phục sâu xa, với tôi, họ là những sĩ phu, hào kiệt của đất nước thời nay. Đúng như Nguyễn Trãi đã viết:

 

“Vận nước có lúc cường, lúc nhược

Nhưng anh hùng, hào kiệt thời nào cũng có”

 

Cũng trong mục ấy, có một bài góp ý khác của một người ký tên Nhất Chi Mai. Tác giả viết:

 

“Ta vẫn thường nhắc tới lịch sử chống giặc ngoại xâm hào hùng, nhắc tới tinh thần đoàn kết dân tộc nhưng sau những chiến thắng oai hùng đó ta lại tự mình làm bé mình… Về mặt địa lý, dân số và lịch sử, Việt Nam là một nước không nhỏ, nhưng là một nước đang ngủ quên trên những chiến tích… Cần lắm một cơ chế ràng buộc trách nhiệm và cần lắm sự cương quyết của những nhà lãnh đạo, với sự sáng suốt và quyết đoán” (tôi ghi chữ nghiêng đoạn cần nhấn mạnh).

 

Nếu ở hải ngoại thì nội dung những lời đóng góp ý kiến trên cũng bình thường. Nhưng trên một tờ báo trong nước, có thể xem là những đóng góp rất thẳng thắn, mạnh dạn. Đăng tải nó là một thay đổi tư duy đáng để ý của Ban biên tập. Không chỉ còn là những bài ca tụng sáo rỗng thường thấy trên báo như trước. Tôi khá tâm đắc với những ý kiến này. Nhưng từ lâu tôi không thích từ “cơ chế” thường được dùng. Nó mơ hồ, thấp bé và giới hạn.

 

Ai cũng biết là quyền lực làm tha hóa con người, cho dù con người đó trước khi nắm quyền lực, là một con người toàn thiện, có chủ tâm vì người khác mà phục vụ. Cũng đừng nói chi đến quyền lực to lớn tột cùng của cai trị quốc gia ở Việt Nam, thường với quyền sinh sát trong tay cùng bao cám dỗ lợi lộc to lớn. Ngay cả với những tập thể nhỏ như một Hội Đoàn, một Cộng Đồng Người Việt ở hải ngoại, qui luật đó cũng thường được thể hiện và minh chứng khá rõ ràng. Do đó, trước khi cần đến sự cương quyết, sáng suốt và quyết đoán của lãnh đạo nào đó, như trong bài viết nói trên, Việt Nam cần có một hệ thống chính quyền pháp trị có thể hổ trợ, bảo vệ và thực thi được những đức tính này. Và cần có một hệ thống chính trị có thể giám sát, ràng buộc trách nhiệm cùng xiển dương các hoạt động điều hành đất nước. Cụ thể hơn thì đó phải là một thể chế dân chủ. Thiếu điều kiện này, tôi nghĩ, quyền lực rồi sẽ làm tha hóa hầu như bất cứ ai.

 

Về Sài Gòn tôi hay đi nghe nhạc. Tôi đã đến hầu hết những phòng trà nổi tiếng tại Sài Gòn như Tiếng Tơ Đồng (đã đóng cửa), M&Tôi, Yesterday, Đồng Dao (đã đóng cửa), Ánh Tuyết, 2B, và nhiều nơi nữa. Ngoài chuyện giải trí, thưởng thức văn nghệ, vì thích nghe nhạc, tôi cũng muốn xem bài nhạc của nhạc sĩ nào ở miền Nam trước năm 75 được cho phép trình diễn. Để qua đó đo lường (phần nào đó, tôi nghĩ) mức độ cởi mở chính trị ở Việt Nam. Tôi thấy thật là điều khắt khe vô lý của chủ trương kiểm duyệt văn hóa này, mà tự thân chủ trương lại … kém văn hóa. Mang tính trừng phạt và tưởng thưởng vì quan điểm và thái độ chính trị của tác giả hơn là vì nội dung bài hát. Thời gian gần đây, mỗi lần tôi về, lại thấy có một số bài hát, của những nhạc sĩ miền Nam cũ, được cho phép hát lại. Khá nhiều! Những tình khúc của các nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Từ Công Phụng, Phạm Đình Chương, rất được ca sĩ lẫn người nghe ưa chuộng.

 

Lần này, lần đầu tiên, tôi nghe một bài hát của nhạc sĩ Lam Phương tại một phòng trà (tên tác giả không được giới thiệu). Tôi yêu mến dòng nhạc tình cảm, rất thiết tha và cũng rất nhân hậu của ông. Nhạc của ông bị cấm lâu có lẽ, tôi đoán mò, vì người ta “giận” ông nhiều. Nhất là vì cái câu:

 

Bao năm giải phóng như thế này phải không anh?…” trong một bài hát(5) có ca từ rất chua chát về Tây Đô Cần Thơ (như: “Ngày xưa ta quen từng viên đá nơi sân trường. Nay sao nghe khác từng tên đường”).

 

Ai từng ở đảo Bidong chắc đều có một lần nghe bài hát của ông (“Đường Về Quê Hương”) với các câu

“Biết bao giờ trở về Việt Nam, thăm đồng lúa vàng, thăm con đò chiều xưa? Biết bao giờ ta lại gặp ta …?”

 

được ban điều hành trại tị nạn phát lên hệ thống loa của trại mỗi khi có nhóm người tị nạn rời đảo đi định cư. Nghe não nuột, tuyệt vọng, buồn thúi ruột lúc chia tay, trong hoàn cảnh tha hương không mong có ngày về lúc đó.

 

Có vài bài báo ở trong nước, tôi nghĩ là đã không thành thật, khi gần đây gọp các tình khúc của các nhạc sĩ trên (và của nhiều người nữa) và gọi chung là nhạc tiền chiến. Đâu có “tiền”! Tôi nghĩ “nhạc tiền chiến” được hiểu là trước thời chiến tranh Việt Pháp 1946–1954. Hay ít ra cũng trong thời gian đó.

Hầu như toàn bộ tình khúc của các nhạc sĩ miền Nam trên lại được sáng tác “trong” thời chiến 1954–75 kia mà. Tình yêu lứa đôi, cùng với tình yêu quê hương, đất nước, tại miền Nam, vẫn tràn đầy. Vẫn được nhắc nhở, ca tụng, dù trong thời chiến tranh máu lữa, khốc liệt.

 

Tôi nhớ cách đây 4–5 năm, tại phòng trà Tiếng Tơ Đồng vào mùa Giáng Sinh, tôi đã nghe Thanh Lam hát “Bài Thánh Ca Buồn”(6) (“Bài thánh ca đó còn nhớ không em? Noel năm nào chúng mình có đôi …”) đầy kỷ niệm. Lâu lắm rồi tôi mới nghe lại bài hát này, qua một giọng ca thật điêu luyện và truyền cảm. Trong khoảnh khắc, cả một trời kỷ niệm ùa về. Tôi chợt như được sống lại những mùa Noel Sài Gòn háo hức, nhộn nhịp, rộn ràng, hồi hộp, tuyệt vời của những năm nào ở tuổi đôi mươi. Khi nghe lại một bài hát gợi nhiều kỷ niệm, lòng mình xao xuyến vô cùng. Dù đôi khi sự gợi nhớ dĩ vảng cũng làm lòng mình chùng xuống.

 

Trường trung học Petrus Ký: “Khổng Mạnh cương thường tu khắc cốt–Tây Âu khoa học yếu minh tâm”

Nguồn: DCVOnline

 

Tôi còn nhớ lúc tôi học năm thứ nhất đại học, tôi có cô bạn gái học lớp 10 Marie Curie. Đêm Noel tôi chở em trên xe gắn máy ra nhà thờ Đức Bà, như rất nhiều thanh niên trai gái Sài Gòn thời đó. Em sung sướng, hãnh diện với tôi và các bạn, vì lần đầu tiên được mặc chiếc áo dài truyền thống thướt tha. Thế mà tôi lạng quạng làm sao lại làm em té xuống đất, trên đường Lê Lợi, áo quần lấm lem. Không biết có phải vì thế mà vài tháng sau (1969) em bỏ tôi lại, theo gia đình sang Mỹ (Ba của em là viên chức cao cấp của    Tòa Đại Sứ Việt Nam tại Mỹ). Rồi từ đó tôi không hề gặp lại em.

 

Trên đường từ nhà em tôi, nơi tôi trú ngụ, ra trung tâm Sài Gòn, tôi thường chạy ngang trường Trung học Petrus Ký cũ của mình. Ngôi trường tôi có rất nhiều kỷ niệm với lũ bạn xôn xao những mối tình đầu. Lần nào đi qua tôi cũng nhìn vào cổng trường xem sao. Nhìn hai hàng cây sao cao to bên hông trường, nơi ngày xưa là bãi đậu xe của học sinh, tôi lại nhớ đến Thầy Tổng giám thị Chương. Thầy hay đứng sau gốc các cây sao trên, để chụp bắt phạt học trò nào không mặc đồng phục, đang dắt xe vào trường. Trường tôi có tiếng rất nghiêm về kỷ luật là nhờ các thầy giám thị. Tôi có lần cũng bị Thầy Chương chụp bắt lên văn phòng, không phải vì chuyện đồng phục, mà vì tội để tóc dài. Tôi né trốn thầy hoài mà rồi cũng không thoát.

 

 

Thầy Chương trong lớp dậy Pháp văn Nguồn: petruskylhp.org

 

Trường tôi nay đã đổi tên là Lê Hồng Phong. Bây giờ có cả nữ sinh. Tôi không phản đối chủ trương trường hỗn hợp nam nữ. Cũng có cái hay của nó. Nhưng để phá vỡ cái truyền thống của biết bao năm không vì một lý do thiết yếu thì tôi không đồng tình. Trường Nữ Trung học Gia Long cổ xưa, truyền thống cũng thế. Nay có cả nam sinh và cũng đã bị đổi tên.

Về Sài Gòn lần nào tôi cũng đi vào các tiệm sách, xem sách, mua sách. Bây giờ thì có khá nhiều nhà sách, thường rất lớn. Nhà sách Khai Trí ở đường Lê Lợi đã mở cửa lại nhưng mang tên Sài Gòn. Có nhiều tiệm sách nhỏ của tư nhân, dọc hai bên đường Hồng Thập Tự cũ, đoạn gần đường Nguyễn Thiện Thuật. Nơi đây có bán sách cũ, mới và giảm 20–30% trên giá bán, không như ở các tiệm lớn. Có khá nhiều tựa sách, bao gồm nhiều lãnh vực. Nay có rất nhiều tác giả trong nước tôi không quen tên. Sách của các nhà văn nhóm Tự Lự Văn Đoàn, hay các nhà văn, nhà thơ vào thời đó, cũng đã được in lại từ nhiều năm trước. Mỗi lần về lại thấy có ấn bản mới, to hơn, đẹp hơn. Có lẽ nhà văn, học giả Nguyễn Hiến Lê có nhiều sách in lại nhất (ngoài ông và nhà văn Sơn Nam, còn mấy sách nào của các tác giả miền Nam được phép in lại?!?). Giá sách nói chung thì rất rẻ so với mức thu nhập ở nước ngoài (vào khoảng 3–4 Úc kim/quyển). Nhưng như thế cũng tốn đến một, hai ngày lương công nhân trong nước. Một số sách của, hay về, các nhà văn, thơ của nhóm Nhân Văn Giai Phẩm như Phùng Quán, Hoàng Cầm, Trần Dần… cũng có được in lại. Nhưng vẫn đuợc lọc lựa bởi cái sàng chính trị. Nội dung các sách này, mà tôi được đọc, thì không gì hay, phiến diện và không giống như tôi đã đọc về các ông trước năm 75 hay ở hải ngoại. Tôi nghĩ người ta đã sai lầm khi cố tình chỉ lọc lựa đưa ra, theo ý mình, một vài quan điểm thuận lợi nào đó từ các ông, ở giai đoạn thích hợp nào đó của cuộc đời các ông. Vắng đi hay lướt vội qua các dằn vật chuyễn đổi về tư tưởng, cùng cuộc sống bất hạnh, đầy nhọc nhằn, cay đắng mà các ông và người thân đã trải qua hay gánh chịu. Thời đại này khó có thể giấu diếm được điều gì. Mà mập mờ nói có phân nửa thì chỉ phản tác dụng.

 

Quyển “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” được bày bán nhiều. Tôi cảm phục và kính trọng lòng hy sinh của cô mà cũng thương cho cô. Một lý tưởng không tròn. Có sách mới của nhà văn Bùi Ngọc Tấn (“Viết cho bè bạn”). Nhưng không có quyển “Chuyện kể năm 2000” của ông mà tôi rất thích. Nội dung quyển sách mới thì bình thường, thậm chí nhạt nhẽo. Toàn bộ tinh túy và tâm huyết của ông đã dồn hết vào quyển kia rồi. Có thấy tập truyện ngắn “Bóng Đè” gây nhiều tranh luận của nhà văn nữ trẻ Đỗ Hoàng Diệu.

 

    Nguyễn Ngọc Tư

Có nhiều quyển sách mới tái bản của nhà văn nữ trẻ Nguyễn Ngọc Tư, nổi tiếng với chuyện “Cánh Đồng Bất Tận”, được bày bán. Mới đây thôi, cô bị Sở Thông Tin “ Văn Hóa Cà Mau, nơi cô sống và công tác, phê bình, kiểm điểm, khiển trách, qui chụp, đòi khai trừ, cách chức, đuổi đi khỏi tỉnh gì đó (tôi kể dám còn thiếu). Nhưng không ngờ, cô được độc giả phản ứng với hàng trăm ý kiến bênh vực mạnh mẽ trên các báo. Thêm nữa, báo Tuổi Trẻ và vài nhà xuất bản khác, còn ra mặt ủng hộ, tái bản ào ạt (có sách ghi chú tái bản lần thứ năm) các sách bị phê phán của cô. Đáng chú ý là các “ông quan văn hóa” (chữ trên báo trong nước) Cà Mau bị độc giả khắp nơi chỉ trích kịch liệt về các quyết định này, thậm chí còn chê bai, dè bỉu khả năng, trình độ của các ông. Cái bóng con đường đen tối của Trần Dần, Phùng Quán, Phùng Cung, v.v… những tưởng …, đã không lập lại. Sự thông tin rộng rãi, thông suốt, nhanh nhạy của thời đại internet, thời toàn cầu hoá, đã không cho phép điều đó lập lại.

 

Nguyễn Ngọc Tư tự nhận định văn chương của cô (và cả bản thân) như trái xoài riêng. “Có người thích, có người chê”. Nhưng cô “chẳng bẻ mình bẻ mẩy để lấy lòng người” (mấy câu này có in trên bìa sau sách rõ ràng). Các nhà văn, nhà thơ đều khí khái giống nhau:

 

“Dù ai ngon ngọt nuông chiều

Cũng không nói yêu thành ghét

Dù ai cầm dao dọa giết

Cũng không nói ghét thành yêu”(7)

 

Miền Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng đã mở rộng vòng tay, ưu ái đón chào lưu dân tứ xứ, từ nhiều trăm năm trước. Tôi thấy ngày nay Sài Gòn vẫn còn cái truyền thống đó. Tôi đã gặp rất nhiều người bán hàng rong, lao động, tài xế, bán hàng, v.v… trên khắp đường phố Sài Gòn, đến từ nhiều miền xa xôi ngoài Bắc. Mấy ngày trước, trên một xe taxi, nghe anh tài xế nói giọng “miền Bắc 75” (cái giọng cao, nhanh và chua đặc trưng không lẫn được; không êm ái, ngọt ngào, thanh lịch như đa số người “miền Bắc 54”), tôi đã tò mò hỏi thăm anh quê ở nơi nào ngoài Bắc, vào đây lâu chưa. Anh nói từ Hà Tây. Cả gia đình bốn người vào đây sống đã tám năm rồi. Tôi hỏi anh thấy cuộc sống nơi này, dân tình thế nào thì anh phán câu “đất lành chim đậu” làm tôi mát cả ruột. Tôi còn trao đổi với anh đôi điều và anh cũng đồng ý với tôi. Tôi cũng đã nhiều lần nói chuyện với nhiều người có hoàn cảnh như anh. Họ cũng đồng ý, hay rồi cuối cùng cũng đồng ý, giống như anh.

 

Vùng đất miền Nam trù phú, hiền hòa, trong đó có Sài Gòn, đã sản sinh tư tưởng, giáo dục nếp sống, dịu hiền, đôn hậu, trọn tình, trọn nghĩa như trong các câu ca dao:

 

 

“Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ

Đèn Mỹ tho ngọn tỏ ngọn lu

Anh về học lấy chữ nhu

Chín trăng em đợi, mười thu em chờ”

 

 

 

 

Tổ tiên tôi, nghe người lớn kể, cũng là người đàng ngoài, vào Nam lập nghiệp từ hàng trăm năm trước. Nhưng cũng rất nhiều năm sau những nhóm di thần nhà Minh từ nước Trung hoa xa xôi do Mạc Cửu, Trần Tiễn Thành, Dương Ngạn Địch, Trần Đại Xuyên cầm đầu chạy sang trú ngụ. Và từ những đợt di dân, tị nạn sau nhiều cơn biến loạn ở Trung Hoa sau đó. Rồi thời năm 54 (mới đây mà đã hơn 50 năm rồi!), cả triệu đồng bào miền Bắc cũng di cư vào Nam lập nghiệp. Tất cả, cùng với dân Khờ me tại địa phương, đã tạo thành một tập hợp với nhiều ưu tính của từng sắc dân. May mắn được sống trong một vùng đất trù phú, họ đã hình thành một tập thể “người miền Nam” hiền hòa, nghĩa khí. Và Sài Gòn, đã và sẽ mãi vẫn là cái nôi văn hóa, là thủ phủ của miền Nam nhân bản này.

 

Có lẽ tôi có thể kể những cái dở, cái xấu, cái nghịch lý, bất công hiện nay ở Sài Gòn cả ngày không hết. Tuy nhiên, cũng phải công bằng mà nói, đã có những tiến bộ trong mấy năm qua. Đã có lại những con đường sạch sẽ với hàng cây xanh, luống hoa được chăm chút. Những cửa hàng quần áo sáng sủa, chưng bày thật mỹ thuật, đẹp mắt như trên đường Võ Tánh cũ (nay là Nguyễn Trãi nối dài), con đường quen thuộc của tôi. Những nhà hàng, quán cà phê thiết trí trang nhã với nhân viên trong các bộ đồng phục thẳng thóm, đúng cách, phục vụ chu đáo, lễ độ. Những khuôn mặt đâu đó trên đường phố tươi vui, xinh xắn, trong các bộ áo quần tươm tất, lịch sự, hợp thời. Có những câu chào, những nụ cười. Không nhiều, không đồng bộ, nhưng đã có.

 

Nhưng, cho dù Sài Gòn ngày nay không được như trước năm 75. Đã làm tôi tức mình, buồn bực, tiếc nuối hình ảnh quá khứ, vẫn gắn chặt với lòng tôi (chắc cũng giống như Hà Nội vẫn sống trong lòng người dân, nhà văn, nhà thơ miền Bắc di cư vào Nam thời năm 54). Cho dù quán La Pagode không còn, rạp mini Rex đã dẹp, tiệm kem Hoàng Gia trên đường Tự Do biến mất, tôi vẫn như còn thấy cái hồn Sài Gòn ngày xưa của tôi còn vương vất trên các con đường, góc phố. Cho dù người ta đã thay đổi hầu hết tên những con đường (đọc hoài không nhớ), tôi vẫn gọi bằng tên cũ. Vẫn Hiền Vương, Gia Long, Duy Tân, Thống Nhất, Hồng Thập Tự, Công Lý, Tự Do. Tôi vẫn muốn thủy chung với Sài Gòn của tôi.

 

Tôi có quá nhiều kỷ niệm ở nơi này để mà tôi có thể quay lưng, xóa đi quá khứ, giận dỗi không đoái hoài. Tôi vẫn cứ muốn về thăm lại Sài Gòn. Vẫn muốn thấy nhiều người Sài Gòn xa xứ trở về thăm lại thành phố này. Vì tôi tin rằng, một ngày không xa, Sài Gòn ngày xưa của tôi sẽ trở lại. Chính sự về thăm lại Sài Gòn của những cựu dân nơi này sẽ có ảnh hưởng, không nhiều thì ít, trực tiếp hay gián tiếp, hữu ý hay vô tình, làm sống lại nhanh hơn cái hồn, cái chất, cái cung cách, lối sống của Sài Gòn năm xưa. Tôi nghĩ và tin như thế, dù biết có người không đồng ý. Tôi tin tính nhân bản cuối cùng sẽ thắng. Người Sài Gòn có truyền thống yêu chuộng Tự Do, Dân Chủ, luôn đề cao cùng sống theo những giá trị này.

 

Nếu sự khôi phục không thể kịp cho tôi thì cho thế hệ kế tiếp, cũng tốt thôi. Tương lai của hàng triệu người Sài Gòn trẻ tuổi, thực tế, sẽ không ở nơi đâu khác hơn là tại Sài Gòn, tại Việt Nam. Để cho họ được sống trong một Sài Gòn như tôi đã từng sống. Một Sài Gòn tươi đẹp, sung túc, thanh lịch và văn minh. Để họ có được cái may mắn như hàng bao lớp thanh niên chúng tôi, đã thương yêu Sài Gòn như người yêu và được Sài Gòn đền đáp lại bằng những ánh mắt, nụ cười, giọng nói ngọt ngào, cách cư xử chân tình của bao nam thanh nữ tú. Cũng như đã đem đến cho chúng tôi những nơi chốn gặp gỡ, hẹn hò thơ mộng, mà hình ảnh, kỷ niệm, khắc sâu trong tim, mãi không rời.

 

 

Viết tại Sài Gòn, đầu tháng Sáu, 2006. Hiệu đính đầu tháng Tám, 2006, Úc.

 

 

Copyright © 2006 DCVOnline

 

(1): Nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn

(2): “Nếu biển không có sóng, biển đâu còn dào dạt. Nếu chiều không hò hẹn, đâu thấy lòng nôn nao. Nếu đời không tình yêu, biển sẽ không có sóng.

Nếu chiều không gió lộng thì tóc em đâu có bồng bềnh...”

Nếu biển không có sóng, nhạc Từ Huy

(3): “Anh muốn cùng mây giăng kín đường về,

Gọi tên em, gọi tên em cho nát bờ môi ấy ...”

Tình khúc tháng 6, nhạc Ngô Thụy Miên

(4): “Tháng sáu trời mưa, trời mưa không ngớt, Trời không mưa anh cứ lạy trời mưa …”

Tháng Sáu Trời Mưa, thơ Nguyên Sa

(5): Bài “Chiều Tây Đô” (6): Nhạc sĩ Nguyễn Vũ

(7) Thơ, “Lời Mẹ Dặn” của Phùng Quán

 

Thinh Không


main menu <